Tôi làm việc tại công ty sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ và hiện tôi đang có thai. Do không hiểu biết về chính sách và pháp luật của nhà nước nên tôi sợ tôi sẽ không được công ty đảm bảo về chính sách và chế độ khi mang thai và nghỉ đẻ. Vậy mong luật sư tư vấn cho tôi quyền lợi của người lao động nữ khi mang thai được pháp luật quy định như thế nào? Xin chân thành cảm ơn luật sư.
Trả lời:
Theo quy định của Bộ luật lao động 2012, chị sẽ được hưởng những quyền lợi trong những giai đoạn cụ thể sau:
1. Trong thời gian mang thai:
– Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Lao động 2012 về bảo vệ thai sản đối với lao động nữ thì lao động nữ có những quyền lợi sau:
+ Không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
+ Được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương trong trường hợp làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07;
+ Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do mang thai, nghỉ thai sản (trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.)
+ Không bị xử lý kỷ luật lao động trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
2. Khi nghỉ sinh con:
– Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Lao động về nghỉ thai sản, lao động nữ có các quyền lợi:
+ Được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng;
+ Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
+ Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động;
+ Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
3. Sau khi nghỉ thai sản:
– Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Lao động về bảo đảm việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản:
“Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật này; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.”
Như vậy, từ khi mang thai đến sau khi sinh con, pháp luật đều có quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ. Chị có thể tham khảo các quy định pháp luật trên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
>>Tham khảo thêm bài viết có cùng chủ đề:
¤ Lao động nữ được hưởng những quyền lợi gì?
¤ Quy định mới về chính sách đối với lao động nữ theo Nghị định số 85/2015/NĐ-CP
¤ Nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với người lao động
>> Luật sư tư vấn về sở hữu trí tuệ trực tuyến gọi số: 0972817699