Quyền của người lao động (NLĐ) luôn được xem là một bộ phận quan trọng cấu tạo nên hệ thống các quyền con người nói chung.
Hiện nay tuy chưa có một định nghĩa chính thức về khái niệm “quyền của NLĐ”, tuy nhiên khái niệm này đã được đề cập đến trong một số văn kiện pháp lý cũng như các bài viết của các học giả nổi tiếng.
Theo PGS. TS Lê Thị Hoài Thu về cơ bản có thể hiểu “Quyền con người trong lao động là những quyền con người liên quan đến điều kiện lao động, và điều kiện sử dụng lao động bao gồm việc làm, tiền lương, an toàn lao động, hoạt động công đoàn, an sinh xã hội nói chung và bảo hiểm nói riêng”
Theo các quy định của các văn kiện quốc tế, quyền của NLĐ được liệt kê thông qua các quyền như: quyền không bị lao động cưỡng bức, tự do quyết định chấp nhận và lựa chọn công việc, quyền được hưởng mức lương công bằng và được trả lương bằng nhau cho những công việc như nhau, quyền được thành lập và gia nhập công đoàn, quyền đình công… Các quyền này có mối quan hệ mật thiết với nhau, bổ trợ cho nhau góp phần bảo đảm quyền lợi tối đa của NLĐ.
Tuy đã được pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của các quốc gia quan tâm, nhưng trên thực tế, trong quá trình lao động luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động khiến các quyền lợi chính đáng của NLĐ không được bảo đảm. NLĐ thường ở vị trí yếu thế so với người sử dụng lao động (NSDLĐ), NLĐ là những cá nhân đơn lẻ trong khi NSDLĐ là những tổ chức lớn mạnh. NLĐ bị phụ thuộc về mặt tổ chức, phụ thuộc về kinh tế, phụ thuộc về môi trường làm việc… Vì vậy một trong những nhiệm vụ hàng đầu của pháp luật nói chung là phải bảo vệ quyền lợi của NLĐ khi tham gia vào các quan hệ lao động, nghĩa là bảo vệ người lao động khỏi những hành vi xâm phạm đến quyền lợi, danh dự, nhân phẩm, tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, từ phía NSDLĐ và từ các nhân tố khác trong quá trình lao động.