Gần đây em có đọc được thông tin về việc học sinh lớp 10 trường chuyên Thái Bình bị thầy giáo chủ nhiệm nhắn tin gạ gẫm. Em thấy lo sợ và không biết phải làm gì nếu mình trong trường hợp đó. Nếu đúng sự thật thì thầy giáo kia bị xử lý như thế nào thư chú Luật sư.
Email: bonghongt***@gmail.com
Trả lời.
Luật sư trả lời bạn đọc như sau:
Hành vi nhắn tin “gạ gẫm” học sinh có thể cấu thành nên tội hành vi lợi dụng hoạt động viễn thông để quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Cụ thể căn cứ theo Điểm 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định Xử Phạt Vi Phạm Hành Chính Trong Lĩnh Vực Bưu Chính, Viễn Thông, Công Nghệ Thông Tin Và Tần Số Vô Tuyến Điện thì:
Hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, nếu tính chất và mức độ của việc quấy rối, đe dọa, xúc phạm là nghiêm trọng, và có đủ căn cứ, thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng tại Bộ luật Hình sự như: “Tội đe dọa giết người” (Điều 103 Bộ luật Hình sự), “Tội làm nhục người khác” (Điều 121 Bộ luật Hình sự).v.v…
Như vậy, trong trường hợp nhận được tin nhắn quấy rối việc đầu tiên bạn cần làm là không trả lời các tin nhắn đó và thông báo cho người thân hoặc cơ quan quản lý, cơ quan công an….
Toàn văn Điểm 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Truy nhập trái phép vào cơ sở dữ liệu, hệ thống mạng;
b) Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số;
c) Không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu trữ thông tin số;
d) Không bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số;
đ) Không thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng;
e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;
h) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm;
i) Ngăn chặn trái phép việc truyền tải, truy nhập, tìm kiếm dữ liệu, thông tin hợp pháp trên môi trường mạng;
k) Không khôi phục thông tin hoặc khả năng truy nhập đến nguồn thông tin hợp pháp khi được chủ sở hữu thông tin đó yêu cầu;
l) Không tiến hành theo dõi, giám sát thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
m) Không hợp tác, phối hợp điều tra các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.