Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ sở hữu. Doanh nghiệp tư nhân có những đặc điểm hoàn toàn khác so với những loại hình doanh nghiệp còn lại. Khi thành lập doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu nên lưu ý những điều cần biết về doanh nghiệp tư nhân sau:
Chủ doanh nghiệp tư nhân
Khi thành lập doanh nghiệp tư nhân, thì chủ sở hữu cũng đồng thời là người đại diện theo pháp luật. Quyền hạn của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân cũng được quy định trong Luật Doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các hoạt động có thể là: điều chỉnh vốn điều lệ, sử dụng lợi nhuận, thuê nhân viên, cho thuê doanh nghiệp,… Chủ doanh nghiệp tư nhân cũng phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, chủ sở hữu có quyền điều hành và quyết định toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bằng toàn bộ vốn của họ.
Tư cách pháp nhân
Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Bởi vì, theo Điều 81 Bộ luật dân sự 2015 thì “Tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan”. Tuy nhiên, vốn của doanh nghiệp tư nhân do chủ sở hữu tự đăng ký. Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty. Vì vậy, không có sự tách bạch giữa tài sản của công ty và tài sản của chủ sở hữu. Vậy nên không có tình độc lập và rõ ràng giữa tài sản chủ sở hữu và tài sản công ty. Vốn của công ty cũng có thể được điều chỉnh linh hoạt vì chủ doanh nghiệp có thể tăng hoặc giảm vốn bất cứ lúc nào. Do không độc lập, nên vốn của doanh nghiệp cũng được chủ doanh nghiệp sử dụng như là tài sản cá nhân.
Ưu và nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân
Ưu điểm
- Chỉ có một chủ sở hữu quản lý và điều hành doanh nghiệp. Mọi hoạt động của công ty đều được quyết nhanh chóng, dễ dàng, linh động. Do vậy mọi hoạt động của công ty sẽ diễn ra một cách đồng bộ, thống nhất
- Khách hàng và đối tác sẽ tin tưởng doanh nghiệp hơn, do chỉ có một chủ sở hữu. Bởi vì nếu có xảy ra trách nhiệm tài sản, chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Từ đó làm cho khách hàng yên tâm hơn. Bởi nếu so sánh với doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm tài sản trong phạm vi vốn góp. Trong trường hợp pháp nhân không đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ, cũng không thể yêu cầu chủ sở hữu lấy tài sản ra để thực hiện.
- Doanh nghiệp tư nhân có cơ cấu khá đơn giản, hình thức hoạt động dễ dàng. Vì vậy doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn và hợp tác kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.
Nhược điểm
- Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Điều này có thể mang lại rủi ro khi kinh doanh. Bởi vì chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Trong trường hợp trách nhiệm tài sản quá lớn, chủ sở hữu có thể bị mất toàn bộ tài sản.
- Một cá nhân được thành lập duy nhất một doanh nghiệp tư nhân. Do đó cá nhân không thể thành lập thêm một công ty khác để kinh doanh hoặc mở rộng ngành nghề mà họ mong muốn.