Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực bắt đầu từ 01/01/2021. Những điểm mới nổi bật về đăng ký thành lập doanh nghiệp năm 2021.
Bổ sung đối tượng không được thành lập doanh nghiệp
Luật quy định thêm 3 trường hợp không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, gồm:
– Công an;
– Người có khó khăn trong việc nhận thức, làm chủ hành vi;
– Tổ chức bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp
Điều 43, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng. Việc sử dụng, quản lý, lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về việc thay đổi một số thông tin của doanh nghiệp
Từ ngày 01/01/2021, khi có thay đổi theo quy định của pháp luật, thay vì là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, chính doanh nghiệp có trách nhiệm:
– Đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
– Đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thành lập địa điểm kinh doanh thì tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh”.
(Luật Doanh nghiệp 2014 không đề cập đến vấn đề này).
Quy định về định giá tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp
Về cơ bản, Luật Doanh nghiệp 2020 giữ nguyên quy định này, chỉ có một điểm mới đó là:
“Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận;”
Còn theo quy định cũ là: phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Một số nội dung trong điều lệ công ty
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định chi tiết và yêu cầu thông tin cụ thể hơn về một số nội dung như:
– Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch
+ của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;
+ của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
+ của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh.
Số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá từng loại cổ phần của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;
– Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;…
Thời hạn góp vốn thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên
Về thời hạn góp, vẫn là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau 90 ngày mà có thành viên chưa góp, góp chưa đủ thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp.
Theo Luật Doanh nghiệp 2014 là thay đổi trong thời hạn 60 ngày.
Doanh nghiệp tư nhân được trực tiếp chuyển đổi thành công ty cổ phần
– Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện sau:
+ Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
+ Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định;
+ Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
+ Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
– Chủ DNTN cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
– Chủ DNTN có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
– Chủ DNTN cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của DNTN.