Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại. Người làm các công việc giúp việc gia đình theo hình thức khoán việc thì không thuộc đối tượng áp dụng của Bộ luật lao động 2012.
Điều 180 Bộ luật lao động 2012 quy định:
“1. Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình.
2.Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đồng bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước 15 ngày.
3. Hai bên thỏa thuận ghi rõ trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hàng ngày, chỗ ở”.
Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động là người giúp việc gia đình đã quy định cụ thể về hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình. Cụ thể như sau:
Về chủ thể ký kết hợp đồng lao động: Gồm 2 bên, bên phía người sử dụng lao động và bên phía người lao động. Theo đó, Điều 4 Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định:
“ 1. Người ký kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong số các trường hợp sau đây:
a) Chủ hộ;
b) Người được chủ hộ hoặc các chủ hộ ủy quyền hợp pháp;
c) Người được các thành viên trong hộ gia đình hoặc các hộ gia đình ủy quyền hợp pháp.
2. Người ký kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong số các trường hợp sau đây:
a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động”.
Về nội dung của hợp đồng lao động: Điều 7 Nghị định 27/2014/ NĐ-CP quy định: “Hợp đồng lao động có những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Các nội dung theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Bộ luật Lao động;
2. Điều kiện ăn, ở của người lao động (nếu có);
3. Tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng thời hạn;
4. Thời gian và mức chi phí hỗ trợ để người lao động học văn hóa, học nghề (nếu có);
5. Trách nhiệm bồi thường do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động;
6. Những hành vi bị nghiêm cấm đối với mỗi bên”.
Khoản 1 Điều 23 Bộ luật lao động quy định về các nội dung chủ yếu của hợp đồng bao gồm:
– Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;
– Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;
– Công việc và địa điểm làm việc;
– Thời hạn của hợp đồng lao động;
– Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
– Chế độ nâng bậc, nâng lương;
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
– Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
– Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;
– Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Về hình thức của hợp đồng lao động: Hợp đồng lao động đối với người lao động là giúp việc gia đình phải lập thành văn bản. Hợp đồng lao động được lập ít nhất thành hai bản, người lao động giữ một bản. Khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động không biết chữ, người sử dụng lao động đọc toàn bộ nội dung hợp đồng lao động để người lao động nghe và thống nhất nội dung trước khi ký hợp đồng lao động; trường hợp cần thiết người lao động yêu cầu người sử dụng lao động mời người thứ ba không phải là thành viên của hộ gia đình làm chứng trước khi ký hợp đồng lao động. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình.
>> Tham khảo các bài viết liên quan:
• Lao động nữ mang thai có được chuyển công tác không?
• Quy định về người lao động cao tuổi
• Quy định của pháp luật lao động về tiền lương
• Hợp đồng lao động đối với lao động chưa thành niên
• Quy định của pháp luật lao động về người giúp việc gia đình
>> Luật sư tư vấn về sở hữu trí tuệ trực tuyến gọi số: 0972817699