
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Như vậy, chủ thể trong hợp đồng lao động là người lao động và người sử dụng lao động. Nội dung của hợp đồng lao động là quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động. Các quyền và nghĩa vụ này được hình thành trên cơ sở của sự thỏa thuận.
Cần phải xác định rõ một số vấn đề sau để có cái nhìn sâu sắc nhất về hợp đồng lao động:
Thứ nhất: Đối tượng của hợp đồng lao động là việc làm. Việc làm là công việc mang tính thường xuyên, được định kỳ trả lương, trong đó người lao động chịu sự kiểm tra chi phối của người sử dụng lao động, còn người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp nguyên vật liệu để người lao động tiến hành làm việc.
Thứ hai: Người lao động phải tự mình thực hiện công việc trong hợp đồng. Điều đó có nghĩa là người lao động phải tự mình giao kết hợp đồng và tự mình thực hiện công việc.
Thứ ba: Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng bị giới hạn bởi khung pháp lý nhất định. Mặc dù hợp đồng được hình thành trên nguyên tắc tự thỏa thuận, tuy nhiên pháp luật vẫn quy định khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người lao động – đối tượng yếu thế trong hợp đồng lao động. Điều đó có nghĩa là quyền và nghĩa vụ của người lao động trong hợp đồng lao động luôn trong mức giới hạn giữa quyền lợi tối thiểu được nhận và nghĩa vụ tối đa phải thực hiện.
- Các loại hợp đồng lao động:
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
Hợp đồng lao động xác định thời hạn: Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.