Theo pháp luật Việt Nam, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: có tính mới, có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Bên cạnh đó, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 cũng có quy định về kiểu dáng công nghiệp không được bảo hộ.
Kiểu dáng công nghiệp chính là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Tuy nhiên, không phải bất kỳ kiểu dáng công nghiệp nào cũng được bảo hộ.
Căn cứ pháp lý: Điều 64 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có hoặc chỉ mang đặc tính kỹ thuật, hình dáng bên ngoài của sản phẩm chỉ thuần túy có giá trị thẩm mỹ.
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp. Dù Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả bảo hộ những bản vẽ, thiết kế sơ đồ của các công trình xây dựng còn hình dáng bên ngoài của chúng thì không được bảo hộ.
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm. Đó là các loại sản phẩm mà khi đưa vào sử dụng thì không còn giữ được hay bị mất đi hình dáng bên ngoài như lúc ban đầu.
Như vậy, một sản phẩm có hình dáng bên ngoài thuộc một trong các đối tượng nêu trên sẽ không được bảo hộ theo quy quy định của pháp luật hiện hành.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều rất chú trọng việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong đó có quyền sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có hiểu biết quy định của pháp luật đối với lĩnh vực này và thủ tục để đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.