Để có thể tiến hành một hoạt động kinh doanh hợp pháp, điều tất yếu là cần phải có được những điều kiện nhất định do pháp luật quy định. Nội dung chủ yếu của điều kiện thành lập doanh nghiệp được hiểu là chúng ta phải làm những gì, đáp ứng những yêu cầu gì của pháp luật để được tiến hành hoạt động kinh doanh trên thực tiễn.
Điều kiện về chủ thể
Điều kiện chung về chủ thể để có thể kinh doanh là: tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Đối với một số ngành nghề cụ thể thì cần đòi hỏi chủ thể kinh doanh phải có trình độ học vấn nhất định.
Tuy nhiên không phải mọi chủ thể trên đều có quyền kinh doanh, đó là trường hợp chủ thể được nêu tại khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014.
Điều kiện về vốn
Trong Luật doanh nghiệp 2014 quy định rõ về vốn điều lệ đối với các loại hình doanh nghiệp cụ thể như sau:
- Khoản 1 Điều 48 Luật doanh nghiệp 2014:“ Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty.”
- Khoản 1 Điều 74 Luật doanh nghiệp 2014: “ Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.”
- Khoản 1 Điều 111 Luật doanh nghiệp 2014: “ Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.”
Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty. Trong LDN 2014 không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu hoặc tối đa cần phải góp khi thành lập công ty.
Điều kiện về ngành nghề kinh doanh
Điều kiện kinh doanh được hiểu là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác. Đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được thành lập và hoạt động kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ các điều kiện theo quy định.
Căn cứ vào khoản 3 và khoản 8 của Điều 7 trong Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp:
“3. Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
8. Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.”
Điều kiện về tên doanh nghiệp
Tên của doanh nghiệp cần phải đặt theo đúng theo quy định tại Điều 38, 39, 40, 41 và 42 của LDN 2014 và phải tuân theo Điều 17, 18 của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp.
Điều kiện về năng lực chuyên môn
Tùy từng ngành nghề, pháp luật sẽ có quy định riêng về điều kiện hành nghề của lĩnh vực đó.