Trọng tài thương mại là một hình thức giải quyết tranh chấp được nhiều người lựa chọn vì những ưu điểm của nó. Điều 4, luật trọng tài thương mại 2010 đã quy định cụ thể về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Điều kiện về sự thỏa thuận
Khoản 2, điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010 có quy định: “Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.” Thỏa thuận trọng tài là căn cứ đối với việc các bên đã thống nhất với nhau về hình thức giải quyết khi phát sinh những tranh chấp, mâu thuẫn trong quá trình hợp tác kinh doanh thương mại. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài không nhất thiết phải được lập ngay từ đầu khi hai bên hợp tác, trước khi tranh chấp xảy ra. Các bên hoàn toàn có thể lập thỏa thuận trọng tài sau khi phát sinh tranh chấp.
Điều kiện về hiệu lực đối với chủ thể là cá nhân
Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống hoặc tổ chức còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế, hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Những người này có quyền và nghĩa vụ đối với cá nhân tham gia thỏa thuận trọng tài mà mình có liên quan.
Điều kiện về hiệu lực đối với chủ thể là tổ chức
Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.