Đăng ký sáng chế Quốc tế thì sáng chế đó phải đáp ứng được các điều kiện đăng ký đó là tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Tính mới ở đây được tính trên phạm vi toàn thế giới. Vậy thủ tục đăng ký sáng chế quốc tế như thế nào?
1. Thẩm quyền nhận đơn đăng ký sáng chế quốc tế
Thẩm quyền nhận đơn đăng ký sáng chế quốc tế là Cục Sở hữu trí tuệ,
2. Trách nhiệm và nghĩa vụ
Theo đó Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm và nghĩa vụ sau:
- Nhận đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam;
- Thu phí gửi đơn quốc tế và thông báo các khoản lệ phí theo quy định để người nộp đơn chuyển cho Văn phòng quốc tế và Cơ quan tra cứu quốc tế theo quy định của Hiệp ước hợp tác về sáng chế – PCT;
- Kiểm tra các khoản lệ phí có được nộp đúng hạn hay không;
- Kiểm tra và xử lý đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam theo quy định của Hiệp ước;
- Xác định đối tượng yêu cầu bảo hộ: nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ của đơn thuộc diện bí mật quốc gia thì không tiến hành tiếp các công việc tiếp theo và các khoản lệ phí sẽ được hoàn trả cho người nộp đơn, trừ lệ phí gửi và lệ phí sao đơn quốc tế;
- Gửi một bản (bản hồ sơ) của đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam cho Văn phòng quốc tế và một bản (bản tra cứu) cho cơ quan tra cứu quốc tế;
- Gửi và nhận thư từ người nộp đơn và từ các cơ quan quốc tế.
3. Lưu ý:
Đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ phải được làm bằng tiếng Anh. Mỗi đơn được làm thành 03 bản.
Trong trường hợp không đủ số bản quy định, Cục Sở hữu trí tuệ sao thêm cho đủ số bản cần thiết và người nộp đơn phải nộp phí sao đơn quốc tế.
Đối với các đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam:
Các cơ quan tra cứu quốc tế và các cơ quan xét nghiệm sơ bộ quốc tế có thẩm quyền là các cơ quan sáng chế, cơ quan sở hữu công nghiệp hoặc sở hữu trí tuệ của Ôx-trây-li-a, Áo, Liên bang Nga, Thụy Điển, Hàn Quốc và Cơ quan Sáng chế châu Âu.