Trong thời buổi hiện nay, việc tạo ra một kiểu dáng mới cho sản phẩm đem lại một ấn tượng mới cho khách hàng, song song với đó là đem lại nguồn lợi nhuận cao hơn và tạo niềm tin cho khách hàng.
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của những yếu tố này.
Kiểu dáng rất quan trọng và hơn nữa nó còn được độc quyền, thế nhưng chỉ được độc quyền khi có quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ và đáp ứng những điều kiện bảo hộ do Luật quy định.
Rất nhiều người đã nắm được quy định này, thế nhưng cũng nhiều người chưa biết đến những điều kiện bảo hộ do Luật quy định, đó là: tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp.
Rất ít khi có những “ý tưởng lớn gặp nhau” là hai kiểu dáng công nghiệp trùng nhau, vì vậy tính mới của kiểu dáng là điều kiện dường như lúc nào cũng có thể đảm bảo được, thế nhưng chính điều kiện này lại làm cho rất nhiều kiểu dáng không được cấp văn bằng.
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn.
Thói quen của rất nhiều người là có cái gì mới là phải “khoe” và thế là kiểu dáng công nghiệp cũng được “khoe” nhanh như thế. Việc “khoe” này vô tình đã tạo ra sự mất tính mới cho kiểu dáng công nghiệp ngay cả khi chủ sở hữu nó là người đầu tiên và duy nhất tạo ra kiểu dáng đó. Và trong trường hợp này thì chính xác không có cách nào cứu vãn được trừ một vài trường hợp được coi là không mất tính mới, thế nhưng rất khó để đủ điều kiện đáp ứng được những trường hợp này.
Chính vì vậy, để kiểu dáng của mình không bị trở thành “kiểu dáng quốc dân” thì bạn hãy đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho riêng mình ngay.