Vài năm trở lại đây, thị trường chứng khoán phái sinh đang dần trở nên quen thuộc, thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ. Bài viết sẽ cung cấp cho Quý độc giả một số kiến thức cơ bản về loại hình tài chính mới mẻ này.
Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán phái sinh là các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở.
Chứng khoán phái sinh quy định quyền lợi và/ hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán và/ hoặc chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.
Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại,… hoặc công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất,…
Loại chứng khoán phái sinh nào sẽ được triển khai đầu tiên tại Việt Nam?
Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại chính:
– Hợp đồng kỳ hạn:
Là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia để mua và bán một loại tài sản ở một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước ngay ở thời điểm hiện tại.
– Hợp đồng tương lai:
Là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.
– Hợp đồng quyền chọn:
Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai theo mức giá được xác định trước. Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền. Hợp đồng quyền chọn bao gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán.
– Hợp đồng hoán đổi:
Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng sẽ quy định rõ thời điểm hoán đổi dòng tiền và phương pháp tính toán cụ thể.
Hợp đồng nào là sản phẩm đầu tiên được triển khai tại Việt Nam?
Hợp đồng tương lai là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam, các sản phẩm được lựa chọn trước tiên cần đảm bảo tính chất sản phẩm đơn giản, tài sản cơ sở là các công cụ có độ rủi ro thấp và tính đại diện cao. Nguyên tắc giao dịch Hợp đồng tương lai cũng không quá khác biệt so với giao dịch cổ phiếu trên thị trường cơ sở.
Các Hợp đồng tương lai có bảng giá riêng biệt, nhà đầu tư dựa trên kỳ vọng của mình vào xu hướng của chỉ số có thể đặt lệnh và khớp lệnh để tham gia. Tương tự như cổ phiếu, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số tăng sẽ mua hợp đồng tương lai chỉ số, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số giảm sẽ bán. Một điểm khác biệt là các hợp đồng tương lai sẽ đáo hạn, do đó nhà đầu tư khi tham gia giao dịch cần lưu ý lựa chọn hợp đồng có tháng đáo hạn phù hợp.