Tôi có tình huống sau, nhờ luật sư giải đáp giúp : Ông Hùng (trú tại quận B, TP H) làm việc ở xí nghiệp dược phẩm HN từ năm 1983. Năm 2007, Xí nghiệp chuyển đổi thành Công ty cổ phần dược phẩm HN, ông Hùng chính thức ký HĐLĐ không xác định thời hạn với công ty. Theo HĐLĐ, công việc của ông Hùng là công nhận điện tại Phân xưởng thuốc mắt của công ty, địa điểm làm việc tại quận Đ, t.phố H (trụ sở của công ty).
Năm 2016, thực hiện Quyết định của UBND TP H yêu cầu các công ty, cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường phải di dời khỏi khu vực các quận nội thành, Công ty HN đã xây dựng nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Q (huyện M, t.phố H) đồng thời thỏa thuận với tất cả công nhân để ký phụ lục HĐLĐ thay đổi về địa điểm làm việc sang nhà máy tại huyện M, chỉ giữ lại bộ phận văn phòng tiếp tục làm việc tại trụ sở. Hơn 200 NLĐ tại công ty đã chấp nhận ký phụ lục HĐLĐ, chỉ có 3 người (trong đó có ông Hùng) không đồng ý. Trong 3 người nói trên, ông Hùng lấy lý do đã nhiều tuổi, chị M lấy lý do đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, anh P lấy lý do nơi làm việc ở quá xa nơi cư trú nên muốn tiếp tục được làm việc ở trụ sở. Giám đốc Công ty không đồng ý, thông báo trước 45 ngày và sau đó ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với cả 3 người nói trên. Hỏi:
1) Nếu không đồng ý với quyết định của công ty, 3 NLĐ (ông Hùng, chị M, anh P) có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức nào giải quyết tranh chấp? Biết rằng cả 3 đều cùng làm việc ở Phân xưởng thuốc mắt của công ty HN
2) Công ty HN chấm dứt HĐLĐ với ông Hùng, chị M và anh P có hợp pháp không? Tại sao?
3) Giải quyết quyền lợi cho ông Hùng theo quy định của pháp luật?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục Tư vấn Luật Lao động. Luật sư xin trả lời bạn như sau:
Câu 1: Nếu không đồng ý với quyết định của công ty, 3 NLĐ (ông Hùng, chị M, anh P) có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức nào giải quyết tranh chấp? Biết rằng cả 3 đều cùng làm việc ở Phân xưởng thuốc mắt của công ty HN.
Trả lời:
Trước hết, ta xác định tranh chấp giữa 3 NLĐ (ông Hùng, chị M, anh P) với công ty HN là tranh chấp lao động cá nhân. Sở dĩ có thể kết luận như vậy vì tranh chấp lao động trong tình huống là tranh chấp giữa ông H, chị M, anh P với công ty HN về quyền và lợi ích của mình. Nội dung của tranh chấp nảy phát sinh trên cơ sở của việc chấm dứt HĐLĐ. Mặc dù có 3 NLĐ (ông Hùng, chị M, anh P) cùng tham gia và cả 3 NLĐ đều cùng làm việc ở phân xưởng thuốc mắt của công ty HN song mỗi người chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Cụ thể, ông Hùng lấy lý do nhiều tuổi, chị M lấy lý do đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, anh P lấy lý do nơi làm quá xa nơi cư trú muốn tiếp tục được làm việc ở trụ sở. Những lý do nêu trên hoàn toàn mang tính chất cá nhân hay nói cách khác mục đích, lý do mà ông H, chị M, anh P hướng tới, đưa ra không có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chính vì vậy, có thể khẳng định đây là tranh chấp lao động cá nhân giữa NLĐ với NSDLĐ.
Đối với tranh chấp lao động cá nhân, căn cứ Điều 200 Bộ luật lao động 2012 (BLLĐ 2012) quy định về cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết bao gồm: Hòa giải viên lao động và Tòa án nhân dân. Cụ thể:
– Hòa giải viên do cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh cứ để hòa giải tranh chấp lao động. (căn cứ Điều 198 BLLĐ 2012). Ở tình huống trên, sẽ là hòa giải viên do cơ quan quản lý nhà nước về lao động quận Đ, thành phố H cử để giải quyết tranh chấp (do tranh chấp trên xảy ra trên địa bàn quận Đ, thành phố H). Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng (kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm).
– Tòa án nhân dân: Khi hòa giải không thành các bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết – thời hiệu là 01 năm. Căn cứ Điều 32, khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động trong tình huống trên là Tòa án nhân dân quận Đ.
Câu 2: Công ty HN chấm dứt HĐLĐ với ông Hùng, chị M và anh P có hợp pháp không? Tại sao?
Trả lời: Công ty HN chấm dứt HĐLĐ với ông Hùng và anh P là hợp pháp, tuy nhiên việc chấm dứt HĐLĐ với chị M là không hợp pháp.
Thứ nhất, xét về nguyên nhân phát sinh tranh chấp lao động giữa 3 NLĐ và công ty HN là do sự thay đổi về địa điểm làm việc, 3 NLĐ đã không đồng ý ký phụ lục mà công ty đề xuất, họ đưa ra những lý do riêng tuy nhiên không được chấp nhận từ đó dẫn đến việc bị công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Xét sự việc thay đổi địa điểm làm việc, ở đây việc thay đổi này được xác định là do lý do bất khả kháng – Công ty HN thực hiện Quyết định của UBND t.phố H phải di dời khỏi khu vực các quận nội thành để phù hợp với quy hoạch, không gây ô nhiễm môi trường. Công ty HN vì vậy đã xây dựng nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Q (huyện M, t.phố H). Căn cứ điểm b khoản 2 điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ta thấy rằng đây là trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ khi “Di dời…theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Như vậy, việc chấm dứt hợp đồng lao động kể trên thuộc trường hợp được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 38, cụ thể: “Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp…những lý do bất khả kháng theo quy định của pháp luật …”
Mặt khác, xét thấy việc công ty HN đã xây dựng cơ sở mới tại huyện M và đề xuất ký phụ lục với NLĐ – cũng chính là 1 biện pháp khắc phục, tạo điều kiện cho NLĐ tiếp tục làm việc, mong muốn duy trì quan hệ lao động. Hơn nữa, về thủ tục, trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ, công ty đã thông báo cho NLĐ trước 45 ngày (hoàn toàn đúng quy định của pháp luật – căn cứ điểm a khoản 2 Điều 38 BLLĐ 2012)
Vì vậy trên cơ sở đó, việc chấm dứt HĐLĐ với ông Hùng, anh P là có căn cứ, không trái quy định của pháp luât.
Riêng đối với trường hợp của chị M thì do chị M đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, chính vì vậy căn cứ khoản 3 Điều 39 BLLĐ 2012 dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 155, NSDLĐ không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Do đó, việc công ty HN chấm dứt hợp đồng lao động với chị M là không hợp pháp.
Câu 3: Giải quyết quyền lợi cho ông Hùng theo quy định của pháp luật?
Trả lời:
Như đã phân tích ở trên, công ty HN chấm dứt HĐLĐ với ông Hùng là hợp pháp, theo đó căn cứ quy định tại Điều 47 BLLĐ 2012 về trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ, ta có thể suy ra quyền lợi của ông Hùng trong tình huống trên:
– Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, công ty HN có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của ông Hùng, có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày;
– Ông Hùng cũng được nhận lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà công ty HN đã giữ trước đó.
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 48 BLLĐ 2012 thì ông Hùng được hưởng trợ cấp thôi việc. Cụ thể theo khoản 2 Điều này thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc của ông Hùng được xác định tổng thời gian ông Hùng đã làm việc thực tế cho công ty HN (từ năm 1983 đến năm 2016) trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc. Thời gian NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định Luật BHXH là từ 01/01/2009, như vậy khoảng thời gian từ 2009 đến 2016 sẽ được trừ đi. Như vậy thời gian ông Hùng được hưởng trợ cấp thôi việc là 26 năm (2009 – 1983 = 26 năm). Mức trợ cấp thôi việc bằng được tính như sau:
26 năm x ½ tháng tiền lương = 13 tháng tiền lương
(Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi ông Hùng thôi việc.)
Do khoảng thời gian từ 2009 đến 2016 ông Hùng đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, vì vậy ông sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định cụ thể tại Điều 50 Luật việc làm 2013.
Hy vọng qua câu trả lời này thắc mắc của bạn đã được giải đáp. Trường hợp bạn cần luật sư lao động tư vấn chi tiết hơn, vui lòng liên hệ 0972817699.