Đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cần cân nhắc những vấn đề gì trước khi nộp đơn? Đây luôn là câu hỏi được nhiều cá nhân, doanh nghiệp quan tâm khi muốn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho một tài sản trí tuệ (nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,…). Trong bài viết này, chúng tôi xin được tư vấn và giải đáp những thắc mắc trên.
Như chúng ta đã biết, bằng cách đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp trong nước có lợi thế xuất phát trước các đối thủ cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong suốt thời hạn bảo hộ. Lợi thế độc quyền một mặt ngăn không cho các đối thủ cạnh tranh sử dụng, khai thác đối tượng đăng ký, mặt khác cho phép doanh nghiệp thu lợi thông qua sự độc chiếm thị trường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chỉ những sản phẩm, dịch vụ dựa trên những sáng chế mạnh hoặc có kiểu dáng bắt mắt, được thị trường ưa thích thì mới có khả năng đem lại lợi thế thương mại và lợi nhuận tài chính cho chủ sở hữu
Lựa chọn hình thức bảo hộ đúng đắn
Đây cũng là một vấn đề quan trọng cần cân nhắc trước khi nộp đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Trong trường hợp sản phẩm có thể được bảo hộ theo nhiều quyền sở hữu trí tuệ khác nhau, thì điều quan trọng đối với chủ sở hữu là phải hiểu về hệ thống này và lựa chọn cách thức bảo hộ các quyền một cách có hiệu quả nhất để tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép, bắt chước. Do đó, khi chủ sở hữu đưa một sản phẩm mới ra thị trường phải xem xét đối tượng để bán chính trong sản phẩm của mình là gì? Nói cách khác, cái gì trong sản phẩm của chủ sở hữu thu hút khách hàng nhất? Hay cái gì làm sản phẩm của chủ sở hữu khác biệt so với các sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh khác? Có phải là những đặc điểm kĩ thuật sáng tạo không? Hay kiểu dáng của sản phẩm? Thương hiệu? Câu trả lời có thể tạo ra cho chủ sở hữu những ý tưởng ban đầu về cách thức bảo hộ sản phẩm, đảm bảo cho sự thành công của sản phẩm trên thị trường.
Cân nhắc khả năng được cấp văn bằng bảo hộ
Để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc đầu tư cho việc nộp đơn, cần phải cân nhắc khả năng được cấp văn bằng bảo hộ bằng việc trả lời các câu hỏi sau:
- Đối tượng có phải là một sáng chế/giải pháp hữu ích/nhãn hiệu…hay không?
- Đối tượng có thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ không?
- Đối tượng có khả năng đáp ứng các điều kiện bảo hộ không?
Tra cứu thông tin
Mục đích của việc tra cứu thông tin: nhằm đánh giá sơ bộ khả năng được bảo hộ của đối tượng để tiến hành các thủ tục tiếp theo; tránh xung đột, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với các chủ thể khác đã đăng ký trước đó.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi trước khi đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp để đạt được hiệu quả và lợi ích tốt nhất cho chủ sở hữu.