Thực thi các biện pháp kiểm soát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến SHTT được pháp luật Việt Nam quy định khá chi tiết, là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan và xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Cơ sở pháp lý
Theo quy định tại Điều 216 Luật sở hữu trí tuệ, cơ quan hải quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT. Trong đó có hai biện pháp sau:
- Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT;
- Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT.
Quy định cụ thể
Cơ quan hải quan được tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với các hàng hóa xuất, nhập khẩu mà mình có căn cứ cho rằng có xâm phạm quyền SHTT theo yêu cầu của chủ sở hữu quyền SHTT đã được bảo hộ.
Cơ quan hải quan có quyền buộc người xâm phạm thanh toán các chi phí phát sinh từ việc tạm dừng làm thủ tục hải quan và bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Người yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan phải nộp khoản tiền bằng 20% giá trị lô hàng cần áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan. Nếu không xác định được giá trị lô hàng, người yêu cầu không nộp tiền thì cơ quan hải quan yêu cầu họ phải xuất trình chứng từ bảo lãnh của ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác. Khoản bảo đảm này được sử dụng để bồi thường thiệt hại và thanh toán các chi phí phát sinh cho người bị áp dụng biện pháp kiểm soát nếu hàng hóa bị kiểm soát không xâm phạm quyền SHTT.
Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật
Để nâng cao hiệu quả thực thi các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến SHTT, khi hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần lưu ý hai nội dung sau:
Một là, hoàn thiện các quy định về thẩm quyền áp dụng các biện pháp thực thi quyền SHTT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đồng thời với thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền trong phạm vi tương ứng bảo đảm tính tương thích giữa pháp luật Việt Nam với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Hai là, phải tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian chờ các cơ quan chức năng giám định, xem xét có hay không hành vi xâm phạm quyền, pháp luật Hải quan nên quy định vấn đề lưu mẫu và giải quyết cho người xuất nhập khẩu đưa hàng về bảo quản.